Chiến sự trên hướng Kavkaz Chiến_dịch_Blau

Bài chi tiết: Chiến dịch Kavkaz

Việc chia Cụm tập đoàn quân Nam (Đức) thành hai Cụm tập đoàn quân A và B kèm theo việc mở rộng phạm vi tác chiến trên cả hai mặt trận Stalingrad và Kavkaz được các tướng lĩnh của nước Đức Quốc xã coi là một "sai lầm của chỉ một kẻ ngu ngốc" là Adolf Hitler.[72] Theo thượng tướng Kurt von Tippelskirch, ý đồ này đã làm "quá tải" các quân đội Đức khi tính bình quân cho mỗi tập đoàn quân phải tác chiến trên một chính diện từ 350 đến gần 600 km trong khi quân số và phương tiện không phải là vô hạn. Không những thế, nó còn làm cho các đơn vị ở tuyến trước ngày càng xa rời các đầu mối căn cứ hậu cần và không quân chủ yếu như Rostov, Poltava, Dniepropetrovsk, Zaporozhye từ 700 đến 900 km. Thế nhưng Adolf Hitler vẫn quyết định làm như vậy khi ông ta khăng khăng cho rằng: "Chỉ cần một cú huých mạnh bằng các tập đoàn quân xe tăng là chế độ Xô Viết sẽ đổ nhào".[73]

Đưa quân vào Kavkaz, Adolf Hitler và một số tướng lĩnh Đức Quốc xã cho rằng có thể cắt đứt nguồn dầu mỏ Baku mà họ coi là một trong các nguồn nhiên liệu cơ bản của Liên Xô, cắt đứt con đường bộ nối Liên Xô với các nước đồng minh qua Iran, kích động các thế lực chống đối Xô viết trong các cộng đồng dân tộc ít người ở khu vực Kavkaz, lôi kéo Thổ Nhĩ Kỳ vào vòng chiến chống Liên Xô và các nước đồng minh chống phát xít và xa hơn nữa là để chuẩn bị cuộc hội ngộ với Nhật Bản, người "cùng hội cùng thuyền" với nước Đức Quốc xã trong phe Trục.

Quân đội Đức Quốc xã tấn công

Diễn biến chiến sự trên cánh Nam của Mặt trận Xô-Đức từ ngày 23 tháng 7 đến 18 tháng 11 năm 1942

Tức giận vì những sự chậm trễ trong việc kết liễu Liên Xô và tin rằng chế độ Xô Viết đang trên đà tan rã, Adolf Hitler đã thực hiện một loạt những thay đổi đối với kế hoạch tác chiến. Ngày 7 tháng 7 năm 1942, Hitler quyết định chia Cụm tập đoàn quân Nam thành Cụm tập đoàn quân A và Cụm tập đoàn quân B. Dưới sự chỉ huy của thống chế Wilhelm von List, Cụm tập đoàn quân A bao gồm Tập đoàn quân xe tăng 1, các tập đoàn quân bộ binh 11 và 17 (Đức) chịu trách nhiệm tác chiến trên hướng Kavkaz. Cụm tập đoàn quân B dưới sự chỉ huy của thống chế Maximilian von Weichs, gồm các tập đoàn quân 2 và 6 (Đức), các tập đoàn quân xe tăng 2 và 4 (Đức), các tập đoàn quân Romania 3 và 4, Tập đoàn quân 8 Ý và Tập đoàn quân 2 Hungary chịu trách nhiệm tác chiến tại hướng Volga-Đông.[74][75]

Thành công ban đầu của Tập đoàn quân 6 (Đức) trong Chiến dịch Barvenkovo-Lozovaya hồi tháng 5 năm 1943, tiếp đó là các thành công trong Chiến dịch Voronezh, Chiến dịch Braunschweig và cuối cùng là sự kiện Tập đoàn quân này đã tiến ra bờ sông Volga ở phía bắc Stalingrad ngày 25 tháng 8 năm 1942 đã gây ấn tượng mạnh cho Hitler đến nỗi ông ta đã lệnh cho Tập đoàn quân xe tăng 4 tiến xuống phía nam để cùng với Tập đoàn xe tăng 1 thực hiện một cuộc vượt sông tại hạ lưu sông Đông để đột nhập vào Kuban. Việc thay đổi đột ngột thế bố trí và hướng tấn công của Tập đoàn quân xe tăng 4 đã gây ra những vấn đề hậu cần nghiêm trọng khi mạng lưới đường sắt phía sau mặt trận của quân Đức ở cánh Nam không đáp ứng được một khối lượng luân chuyển quân đội và phương tiện khổng lồ như vậy. Sự tắc nghẽn giao thông sau đó đã làm chậm quá trình tấn công của cả hai Cụm tập đoàn quân A và B. Nó cũng khiến Tập đoàn quân 6 chỉ nhận được sự yểm hộ của một quân đoàn xe tăng (Quân đoàn 14) để thực hiện các cuộc đột kích nhằm đẩy Tập đoàn quân 62 (Liên Xô) về bên kia sông Volga.[76]

Tình hình cánh Nam mặt trận Xô-Đức còn phát triển thuận lợi thêm cho quân Đức khi ngày 8 tháng 5 năm 1942, Tập đoàn quân 11 (Đức) đã đánh bại Phương diện quân Krym (Liên Xô) trong Chiến dịch Krym-Sevastopol, chiếm được Sevastopol và đe dọa đột nhập Bắc Kavkaz từ hướng bán đảo Kerch. Ngày 23 tháng 7, Tập đoàn quân 17 (Đức) do tướng Richard Ruoff chỉ huy bắt đầu tấn công Rostov và chiếm thành phố này hai ngày sau đó. Tập đoàn quân 56 định lập phòng tuyến chặn đánh tại Bataysk - Azov nhưng phải từ bỏ ngay ý định đó và rút quân về tuyến Ekaterinovskiy - Pavlovskaya vì các đơn vị xe tăng Đức đã thọc sâu vào hậu cứ của họ. Bên cánh trái, Tập đoàn quân xe tăng 1 của tướng Paul Kleist vượt sông Simla tràn qua tuyến phòng thủ của các tập đoàn quân 12 và 37 (Liên Xô), hướng đòn tấn công về đầu mối đường sắt Salsk. Ở cánh phái Quân đoàn kỵ binh sơn chiến Romania sau khi đẩy lùi Tập đoàn quân 18 về tuyến Starominskaya, Kushevsky đã tiến ra đánh chiếm thành phố cảng Eisk trên bờ vịnh Azov. Tập đoàn quân xe tăng 4 Đức sau khi chiếm căn cứ bàn đạp quân sự Tsimlyansk đã ngoặt về phía nam Stalingrad theo lệnh của Hitler. Tại cửa vịnh Azov, Tập đoàn quân 11 (Đức) đã điều động quân đoàn bộ binh 14 vượt qua eo biển Kerch đổ bộ lên bán đảo Taman buộc Tập đoàn quân 18 (Liên Xô) phải tiếp tục rút lui và quay ngược chính diện phòng thủ hướng về bán đảo Taman. Phía trước tập đoàn quân xe tăng 1 là thảo nguyên Kuban rộng lớn, là nơi hoạt động lý tưởng của xe tăng, cơ giới, pháo binh và không quân ném bom.[77]

Tikhoretsk-Stavropol-Maikop

Ngày 28 tháng 7, Tập đoàn quân xe tăng 1 (Đức) tràn qua tuyến phòng ngự mỏng yếu của Tập đoàn quân 37 (Liên Xô) tại tuyến Zhukovskoye - Yashalta và đột kích thẳng vào Stavropol, thủ phủ khu Vladikavkaz. Bộ Tổng tư lệnh quân đội Liên Xô gấp rút điều Tập đoàn quân 12 về giữ tuyến sông Sosyka nhưng không thể chặn được Tập đoàn quân 17 Đức đang nhanh chóng vượt qua Tập đoàn quân 56 (Liên Xô) đang rút lui và hướng đòn đột kích vào Krasnodar. Không gặp phải sức kháng cự nào đáng kể, Tập đoàn quân xe tăng 1 (Đức) đánh chiếm Stavropol và bắt đầu mở rộng chính diện tấn công. Ngày 1 tháng 8, Quân đoàn xe tăng 3 lật cánh sang hướng Biển Đen, vượt sông Kuban đánh chiếm ArmavirMaikop. Quân đoàn sơn chiến 49 của tướng Rudolf Konrad đánh chiếm Nevinnomyssk sau đó, tiếp tục phát triển đến sườn Bắc của dãy Kavkaz ở hướng Biển Đen. Sư đoàn cơ giới 16 (Đức) đột kích sang phía đông, chiếm thành phố Elista và các thị trấn Kegulta, Ulan Erge, Yashkul và tiến qua Utta mới bị Tập đoàn quân 28 (Liên Xô) chặn lại ở phía đông Khulkhuta, cách Astrakhan 150 km về phía tây. Ngày 5 tháng 8, phần lớn binh lực của Tập đoàn quân xe tăng 1 (Đức) tiếp tục tấn công đánh chiếm Piatigorsk, Kislovodsk, Georgiyevsk.[78]

Mozdok - Grozny - Odzhonikidze

Bộ Tư lệnh Cụm tác chiến Bắc Kavkaz điều Tập đoàn quân 9 phối hợp với Tập đoàn quân 37 lập phòng tuyến ở sườn Bắc dãy Kavkaz để bảo về Grozny và Nalchik nhưng đến cuối tháng 8, Quân đoàn xe tăng 40 (Đức) đã đánh thiệt hại nặng Tập đoàn quân 37 (Liên Xô), chiếm Nalchik và tiến sát đến phía tây thành phố Orzhonikize (Vladikavkaz). Chỉ khi có cuộc phản kích của các Tập đoàn quân 9 và Tập đoàn quân 44 (tái lập) vào hai bên sườn, Quân đoàn xe tăng này mới chịu dừng bước trước của ngõ thành phố. Đầu tháng 9, Quân đoàn bộ binh 52 (Đức) và sư đoàn cơ giới SS "Wiking" triển khai tấn công thành phố Grozny nhưng đều bị Tập đoàn quân 9 và Tập đoàn quân 44 Liên Xô chặn lại ở Đông Nam Mozdok. Hướng đi thuận tiện nhất qua Makhachkala đến Baki đã bị hai tập đoàn quân Liên Xô khóa chặt trước cửa ngõ Grozny.[6] Đến cuối tháng 9 năm 1942, quân đội Đức Quốc xã đã đánh chiếm hầu hết các địa bàn trung tâm ở Bắc Kavkaz nhưng không còn đủ lực lượng để vượt qua dãy núi cao nhất nhì châu Âu này.

Quân cảng Novorrossiysk

Từ ngày 17 tháng 8, Tập đoàn quân 17 (Đức) sử dụng Quân đoàn bộ binh xung kích 5 và Quân đoàn bộ binh 42 phối hợp với Quân đoàn bộ binh 14 của Tập đoàn quân 11 đổ bộ từ bán đảo Kerch sang bán đảo Taman tấn công lực lượng phòng thủ liên hợp lục quân và hải quân Hạm đội Biển Đen (Liên Xô) tại quân cảng Novorossisk. Tập đoàn quân 47 và sư đoàn bộ binh 216 thuộc Tập đoàn quân 56 của quân đội Liên Xô với sự yểm hộ và phối hợp của Hạm đội Biển Đen đã chống giữ quân cảng Novorossiysk trong hơn một tháng.[78] Để đánh chiếm Novorossiysk, Quân đội Đức Quốc xã dùng chiến thuật thay phiên tấn công, bao vây trên bộ, dùng không quân ngăn chặn việc tiếp tế trên biển, tiêu hao các lực lượng phòng thủ của Liên Xô, lần lượt đánh chiếm từng tuyến phòng thủ của Tập đoàn quân 47 (Liên Xô), chiếm được tuyến nào, cho củng cố ngay tuyến đó làm bàn đạp tiếp tục tấn công.[79] Đến ngày 26 tháng 9, quân Đức đã đánh chiếm toàn bộ quân cảng Novorossiysk, đánh thiệt hại nặng Tập đoàn quân 47 của quân đội Liên Xô, buộc Hạm đội Biển Đen (Liên Xô) phải chuyển đến trú đậu ở các căn cứ Sukhumi và Poti kém hoàn thiện hơn.[80]

Tuapse

Quân đội Đức đang pháo kích từ sườn dãy Kavkaz gần Teberda

Trong suốt gần ba tháng, từ 25 tháng 9 đến 20 tháng 12 năm 1942, chủ lực Tập đoàn quân 17 (Đức) nhiều lần nỗ lực đột phá qua các dải núi phía tây Bắc dãy núi Kavkaz để tiến ra bờ Biển Đen tại Tuapse và Sochi. Đây là trận đánh then chốt nhất trong giai đoạn đầu của Chiến dịch Kavkaz tại hướng Biển Đen khi quân đội Đức Quốc xã đang giành thế chủ động tấn công và quân đội Liên Xô đang phải chật vật phòng ngự chống đỡ. Đối với quân đội Đức Quốc xã, nếu cuộc đột phá thành công, Tập đoàn quân 17 Đức sẽ chia cắt Tập đoàn quân 47, Tập đoàn quân 56 và một phần Tập đoàn quân 18 của quân đội Liên Xô khỏi các cụm quân chủ lực tại khu vực Kavkaz, mở đường đột kích vào phía nam dãy Kavkaz qua con đường sắt ven bờ Đông Biển Đen.[81] Do ý nghĩa quân sự quan trọng của các vị trí phòng thủ, chiến sự diễn ra ác liệt tại các thị trấn Goryachi-Ylyukh, Neftegorsk, Shaumian và ngay trước cửa ngõ phía đông Tuapse. Trong các trận đánh cuối tháng 9, đầu tháng 10, quân đội Đức đã đột phá được một chính diện rộng 50 km và sâu 25 km về phía Tuapse, đánh chiếm các thị trấn Goryachi-Ylyukh, Neftegorsk, Shaumian. Ở phía nam, các đơn vị bộ binh sơn chiến hỗn hợp Đức, Ý và Romania cũng chiếm được khu vực Kammenomostskaya - Bagovskaya - Kamyshky và tiến hành các trận đột kích nhằm đánh chiếm các cao điểm xung quanh ngọn núi Belorechensky để mở đường tiến ra Sochi trên bờ Biển Đen.[82] Đến ngày 17 tháng 10, quân Đức chỉ còn cách Tuapse 8 km nhưng đã kiệt sức. Những cố gắng đột phá cuối cùng của quân Đức ngày 23 tháng 10 và 24 tháng 11 đều thất bại. Ngày 26 tháng 11, Tập đoàn quân 18 và Tập đoàn quân 56 (Liên Xô) phản công. Đến ngày 17 tháng 12, Tập đoàn quân 17 Đức phải lùi về tuyến xuất phát mà trước đó gần 3 tháng họ đã bắt đầu cuộc tấn công lớn lên núi Kavkaz. Ở hướng thứ yếu, cuộc phản công ngày 19 tháng 12 cũng đẩy lùi ba sư đoàn bộ binh sơn chiến Đức, ÝRomânia xuống chân ngọn núi Belorechensky. Ngày 20 tháng 12, toàn bộ quân Đức trên hướng Tuapse - Belorechensky phải lùi sang bên kia sông Psits và chuyển sang phòng ngự. Với việc giữ được khu phòng thủ Tuapse nhờ điều chuyển kịp thời lực lượng dự bị chiến dịch từ các hướng khác đến, Cụm tác chiến Biển Đen của quân đội Liên Xô đã thoát khỏi nguy cơ bị chia cắt, bao vây và bắt đầu giành lại thế chủ động trên chiến trường.[79]

Quân đội Liên Xô chiếm lại Bắc Kavkaz

Đơn vị xe tăng Liên Xô ở Makhachkala đang chuẩn bị cho cuộc phản công

Thất bại của quân đội Đức Quốc xã tại khu vực Stalingrad đã làm cho quân Đức mất quyền chủ động chiến lược. Không những thế, chiến trường Stalingrad còn thu hút vào đó nhiều lực lượng của cả lục quân và không quân Đức để cố gắng giải vây cho Tập đoàn quân 6 và một phần Tập đoàn quân xe tăng 4. Sau các chiến dịch Bão Mùa đôngSao Thổ, số phận của cụm quân Đức do tướng Friedrich Paulus chỉ còn có thể tính bằng tháng, bằng ngày. Trên toàn bộ mặt trận Xô-Đức, quân Đức đều phải chuyển sang phòng ngự. Đó là những điều kiện thuận lợi để quân đội Liên Xô tại mặt trận Kavkaz chuyển sang phản công cùng với các phương diện quân khác.[83] Nhận thấy lợi thế to lớn hơn có thể thu được nếu Cụm tập đoàn quân A (Đức) ở Bắc Kavkaz bị đẩy vào thế cô lập, ngày 4 tháng 1 năm 1943, Bộ Tổng tư lệnh tối cao quân đội Liên Xô bác bỏ kế hoạch tấn công một hướng vào Maikop của Cụm tác chiến Biển Đen do tướng I. E Petrov đề xuất và yêu cầu vạch một kế hoạch khác với hướng tấn công chính qua khu Krasnodar lên phía bắc, đến Azov và phía tây Rostov, phối hợp với Phương diện quân Nam đánh chiếm Bataisk và Rostov, khóa kín con đường rút lui của Cụm tập đoàn quân A (Đức) khỏi Bắc Kavkaz.[84]

Các kế hoạch "Núi" và "Biển"

Kế hoạch "Núi" dự kiến hai giai đoạn phản công vào phía tây đồng bằng Kuban. Giai đoạn I từ ngày 14 đến ngày 18 tháng 1 năm 1943, Tập đoàn quân 56 với 5 sư đoàn và 7 lữ đoàn bộ binh có xe tăng và các phương tiện tăng cường khác tấn công đánh chiếm Krasnodar và các bến vượt qua sông Kuban. Giai đoạn II từ ngày 19 đến ngày 30 tháng 1 sẽ phát triển tấn công từ Krasnodar tới Tikhoretsk, đánh chiếm tuyến Tikhoretsk - Kanevskaya. Vì không thấy mục tiêu Bataisk trong kế hoạch, I. V. Stalin khẳng định lại mệnh lệnh, nói rõ Bataisk mới là mục tiêu cuối cùng của chiến dịch "Núi" và yêu cầu Cụm tác chiến Biển Đen phải bổ sung mục tiêu chiếm Bataisk thành giai đoạn ba của kế hoạch. Vì lợi ích toàn cục, Bộ tư lệnh Cụm tác chiến Biển Đen phải điều Tập đoàn quân 18 lẽ ra được dùng để đánh chiếm Novorossiysk trong giai đoạn II và điều nó sang hướng Krasnodar để tấn công về phía Bataisk - Rostov.[85]

Kế hoạch "Biển" dự kiến ba giai đoạn phản công trên hướng biển. Giai đoạn I từ ngày 12 đến ngày 15 tháng 1 năm 1943, Tập đoàn quân 47 phối hợp hành động với Hạm đội Biển Đen chọc thủng tuyến phòng ngự của quân Đức ở Abinskaya, chiếm thị trấn Krymskaya, tạo bàn đạp tấn công cánh quân Đức Ở Novorrossiysk từ phía đất liền, sau đó, phát triển tấn công vào bán đảo Taman. Giai đoạn II dự kiến từ ngày 16 tháng 1 đến 25 tháng 1. Nhiệm vụ đánh chiếm cảng Novorossiysk sẽ do sự phối hợp hành động giữa Hạm đội Biển Đen và Tập đoàn quân 18 từ đất liền đánh vào đội quân đổ bộ từ phía biển đánh lên. Giai đoạn III dự tính sẽ tổng tiến công bằng hai tập đoàn quân phối hợp với Hạm đội Biển Đen giải phóng bán đảo Taman sau khi hoàn thành hai giai đoạn trước. Bản kế hoạch này đã được Bộ Tổng tư lệnh tối cao Liên Xô phê chuẩn mà không cần phải góp ý nhiều.[83]

Chiến dịch Salsk-Rostov

Đài kỷ niệm chiến thắng Rostov tháng 2 năm 1943

Ngày 1 tháng 1 năm 1943, Phương diện quân Nam (Liên Xô) sử dụng Tập đoàn quân xung kích 5, Tập đoàn quân cận vệ 2 các tập đoàn quân 28 và 51 từ chíng diện Loznoy, Kotelnikovo, Zhukovskaya, Dubovskoye, Khutorskoy, Remontnoye mở cuộc phản công xuyên qua thảo nguyên Kalmyk hướng về tuyến Bataisk - Rostov - Novocherkassk - Shakhty - Novoshakhtinsk. Các mũi đột kích chủ yếu được mở ở cả hai bờ Bắc, Nam sông Đông và Bắc, Nam sông Sal. Chiến dịch có tên mã là "Chiến dịch Sông Đông"[86].

Ngày 9 tháng 1, Chủ lực Phương diện quân Nam (Liên Xô) đã đến tuyến sông Manych. Từ ngày 10 đến ngày 18 tháng 1, Quân đoàn xe tăng 3 và Quân đoàn xe tăng 57 (Đức) tổ chức kháng cự quyết liệt trên tuyến sông Manych. Ngày 21 tháng 1, Tập đoàn quân 28 đánh chiếm Slask và đến ngày 23 tháng 1 đã đẩy lùi quân Đức thêm hơn 100 km về phía tây Bắc.[87] Ngày 24 tháng 1, Quân đoàn xe tăng 57 (Đức) đã chặn được cuộc tấn công của Tập đoàn quân cận vệ 2 (Liên Xô) tại Manychskaya trên ngã ba sông Đông và sông Sal, cách Rostov 45 km về phía đông. Từ ngày 25 tháng 1, cuộc phản công tiếp tục với sự tham gia của Tập đoàn quân 44 của Phương diện quân Bắc Kavkaz. Đến ngày 4 tháng 2, quân đội Liên Xô mới buộc được Quân đoàn xe tăng 3 (Đức) phải rút khỏi tuyến sông Manych. Ở cánh Bắc, Quân đoàn xe tăng 57 (Đức) vẫn liên tục phản kích vào Tập đoàn quân cận vệ 2 và tập đoàn quân 51 (Liên Xô), không cho các tập đoàn quân này vượt sông đánh sang Rostov. Ngày 12 tháng 2, sau khi được tăng cường Quân đoàn xe tăng 3 từ Tập đoàn quân xung kích 5 của tướng P. A. Rotmistrov, các tập đoàn quân 28 và cận vệ 2 mới chọc thủng được phòng tuyến phía đông và phía nam Rostov.[86] Ngày 14 tháng 2, Quân đoàn xe tăng 3 (Liên Xô) đánh chiếm Rostov nhưng đã muộn. Các tập đoàn quân xe tăng 1 và 4 (Đức) đã rút khỏi Rostov. Thống chế Erich von Manstein điều động Cụm tác chiến Hollidt cùng các quân đoàn bộ binh 52, sư đoàn cơ giới 16 (Tập đoàn quân xe tăng 1) và sư đoàn đổ bộ đường không 15 (Tập đoàn quân 57) thiết lập tuyến phòng thủ vững chắc dọc theo bờ Tây sông Mius từ Taganrog đến phía bắc Matveev - Kurgan. Cuộc phản công đầu năm 1943 của quân đội Liên Xô phải dừng lại trên tuyến sông này.[88]

Sau hai ngày, Cụm tác chiến Bắc Kavkaz (Liên Xô) cũng mở cuộc phản công lên phía bắc và hội quân với Tập đoàn quân 28 tại Bogoroditskoye ngày 19 tháng 1, Tập đoàn quân 44, các quân đoàn kỵ binh 4, 5 và Quân đoàn cơ giới 5 tiếp tục tấn công. Tập đoàn quân 58 cũng tham gia cuộc tấn công này và có mặt ở Eisk trên bờ biển Azov ngày 4 tháng 2, chia cắt Tập đoàn quân 17 với các lực lượng còn lại của Cụm tập đoàn quân A (Đức). Quân đoàn xe tăng 3 (Đức) đã lập được một "vành đai thép" xung quanh hai cứ điểm AzovBataisk, chặn đứng cuộc tiến quân của các tập đoàn quân 44 và 28 trước cửa ngõ phía nam Rostov. Ngày 4 tháng 2, cuộc tấn công của quân đội Liên Xô phải dừng lại trên tuyến Krugloye, Samarskoye, Manychskaya sát phía nam Azov và Bataisk. Ở cánh trái, các tập đoàn quân 9 và 37 sau khi chiếm ArmavirKropotkin đã lật cánh sang hướng Biển Đen, trợ giúp cho Cụm tác chiến Biển Đen công kích khu phòng thủ hạ lưu Kuban của Tập đoàn quân 17 (Đức).[89]

Kết quả lớn nhất của chiến dịch phản công Salsk-Rostov mà quân đội Liên Xô đạt được là thu hồi thành phố Rostov, một trong các thành phố quan trọng ở miền Nam Nga, cửa ngõ của khu vực Kavkaz. Cùng với Rostov là toàn bộ mạng lưới đường sắt vùng nam Donets từ Stalingrad đi Rostov, từ Rostov lên phía bắc qua Sverdlovsk, Likhovskoy và toàn bộ tuyến đường thủy ở hạ lưu sông Đông cũng đã được thu hồi.[90] Tuy nhiên, mục đích cao nhất của quân đội Liên Xô là cô lập Cụm tập đoàn quân A (Đức) ở Bắc Kavkaz đã không thực hiện được.[91] Không đợi đến khi Tập đoàn quân 6 hoàn toàn bị tan rã, bị tiêu diệt và bị bắt làm tù binh, Bộ Tổng tư lệnh quân đội Đức Quốc xã đã thực hiện được kế hoạch rút phần lớn Tập đoàn quân xe tăng 1 khỏi Bắc Kavkaz.[81]

Chiến dịch Mozdok-Stavropol

Ngày 3 tháng 1 năm 1943, Cụm tác chiến Bắc Kavkaz (Liên Xô) thực hiện đòn phản công lớn đầu tiên trong năm 1943 vào Cụm tập đoàn quân A (Đức) trên một chính diện rộng hơn 150 km, có chiều sâu từ 350 km đến 400 km, từ khu vực Mozdok - Nalchik qua tuyến Kislovodsk - Essentuki - Pyatigorsk - Georgiyevsk đến tuyến Nevinnomyssk - Stavropol và sau đó, tiếp tục phát triển lên phía bắc. Đứng trước nguy cơ bị bao vây và cô lập tại Bắc Kavkaz, bất chấp mệnh lệnh cấm rút quân của Adolf Hitler, Tập đoàn quân xe tăng 1 (Đức) vẫn buộc phải vừa rút quân vừa luồn tránh và phản kích lại những đòn vu hồi của quân đội Liên Xô vào hai bên sườn.[92]

Bốn tập đoàn quân 9, 37, 44, 58, các quân đoàn kỵ binh cận vệ 4, 5 và quân đoàn cơ giới 5 (Liên Xô) lần lượt chiếm lại các thành phố MozdokNalchik (ngày 4 tháng 1), Kislovodsk, PyatigorskGeorgiyevsk (ngày 15 tháng 1), CherkesskNevinnomyssk (ngày 18 tháng 1) và Stavropol (ngày 21 tháng 1). Ngày 24 tháng 1 năm 1934, Cụm tác chiến Bắc Kavkaz được nâng cấp thành Phương diện quân Bắc Kavkaz. Cũng trong ngày này, Tập đoàn quân 9 đánh chiếm Armavir. Ngày 25 tháng 1, Tập đoàn quân 44 và Quân đoàn kỵ binh cận vệ 4 Kuban gặp Tập đoàn quân 28 của Phương diện quân Nam tại Bogoroditskoye. Ngày 26 tháng 1, Tập đoàn quân 37 đánh chiếm thành phố Kropotkin. Ngày 28 tháng 1, Tập đoàn quân 58 đánh chiếm Tikhoretsk và phát triển tấn công dọc theo con đường sắt Tikhoretsk - Eisk, lần lượt đánh chiếm các điểm dân cư Kanevskaya, Pavlovskaya, Kushchevsk và ngày 31 tháng 1 đã có mặt tại bờ vịnh Azov trên khu vực Novobataysk - Eisk - Yasenki.[93]

Mặc dù buộc quân Đức phải rút lui khỏi hầu hết đất đai Kuban (trừ bán đảo Taman, khu vực Novorossiysk) và gây những thiết hại đáng kể cho Tập đoàn quân xe tăng 1 (Đức) nhưng Phương diện quân Bắc Kavkaz (Liên Xô) đã thất bại về chiến thuật. Trong quá trình chiến dịch, Tập đoàn quân xe tăng 1 (Đức) đã sử dụng các cánh quân chặn hậu và yểm hộ chặt chẽ hai bên sườn, phá vỡ ý đồ bao vây, chia cắt của bốn tập đoàn quân Liên Xô và cuối cùng, rút được một phần lớn xe tăng về Rostov. Bộ chỉ huy tối cao quân đội Đức Quốc xã coi việc rút được phần lớn Tập đoàn quân xe tăng 1 khỏi Kavkaz là một thắng lợi chiến thuật.[94] Bằng cách tập trung các sư đoàn xe tăng trên một chính diện hẹp để dựng lên một tấm mộc thép độc đáo trước của ngõ phía đông và phía nam Rostov, họ đã ngăn cản rất có hiệu quả đòn tấn công vũ bão của quân đội Liên Xô, bảo đảm cho Bộ tư lệnh Cụm tập đoàn quân Sông Đông (Đức) có thì giờ để tổ chức một tuyến phòng thủ mới trên sông Mius và tiếp tục tổ chức những cuộc phản kích nhằm làm chậm bước tiến và tiêu hao binh lực, phương tiện của đối phương.[95]

Ý định ban đầu của quân đội Liên Xô nhằm hợp vây quân Đức với những "đòn truy kích vừa phải" trong kế hoạch đã biến thành một cuộc truy đuổi ồ ạt theo các đoàn tàu quân sự của quân đội Đức Quốc xã đang chủ động rút lui có tổ chức. Không cản được cuộc phản công của quân đội Liên Xô nhưng quân đội Đức Quốc xã cũng không để cho đối phương chiếm được lợi thế chiến thuật ở hai cạnh sườn và ngăn chặn quyết liệt các đòn đột kích chiều sâu vào phía sau Cụm tập đoàn quân A. Do đó, thế trận của quân đội Liên Xô đã không đạt được những chuyển biến căn bản trong quá trình chiến dịch mặc dù đã tiến lên được gần 800 km và giải phóng vùng đất rộng đến 200.000 km vuông.[96] Trong các cuộc giao tranh trên bộ, kết quả chiến đấu của quân đội Liên Xô hết sức hạn chế. Trong hơn một tháng, các đơn vị quân đội Liên Xô dành thời gian để hành quân nhiều hơn là để chiến đấu. Trong khi đó, kết quả chiến đấu của lực lượng không quân Liên Xô lại nổi bật hơn khi họ phá hủy một số lớn xe tăng và các phương tiện chiến tranh khác của quân Đức. Tuy vậy, không quân vẫn không quyết định được số phận chiến trường. Những lực lượng cơ bản của Tập đoàn quân xe tăng 1 (Đức) vẫn rút lui khỏi Kuban và sau khi được trang bị lại, Tập đoàn quân này đã phục hồi được sức mạnh và trở thành một trong các lực lượng xe tăng chính của quân Đức tại cánh Nam của chiến dịch Thành Trì sau đó nửa năm.[86]

Chiến dịch Maikop-Krasnodar

Ngay sau khi các Quân đoàn bộ binh 42 và 44 (Đức) bị hất xuống chân núi Kavkaz trước khu vực phòng thủ Tuapse và phải chuyển sang phòng ngự, Bộ tham mưu Cụm tác chiến Biển Đen đã xây dựng một kế hoạch phản công với nhiệm vụ ban đầu hạn chế ở mục tiêu đánh chiếm lại khu mỏ dầu Maikop, sau đó phát triển ra đồng bằng Kuban để hội quân với Cụm tác chiến Bắc Kavkaz. Kế hoạch dự định sử dụng Tập đoàn quân 46 làm chủ công, có sự phối hợp của Tập đoàn quân 18 bên cánh trái và đảo quân tại khu vực phía đông Novorossiysk, đưa Tập đoàn quân 56 vào thay tập đoàn quân 47 để cho Tập đoàn quân này nghỉ ngơi ít ngày, bổ sung quân số và đạn dược trước khi sử dụng nó vào Chiến dịch Maikop.[83] Vì không đặt ra mục tiêu cô lập Cụm tập đoàn quân A (Đức) ở Bắc Kavkaz, ngày 29 tháng 12, Bộ Tổng tư lệnh tối cao Liên Xô bác kế hoạch này và yêu cầu lập một kế hoạch khác với hướng tấn công chủ yếu nhằm vào Krasnodar, hướng thứ yếu vào Maikop, sau đó phát triển lên Rostov từ phía tây nam, phối hợp với Phương diện quân Nam khoá chặt đường rút lui khỏi Bắc Kavkaz của Cụm tập đoàn quân A (Đức).[84] Trong khi Bộ tư lệnh Cụm tác chiến Biển Đen đang xây dựng lại kế hoạch tấn công thì quân Đức đã không để mất thì giờ vô ích. Ngày 5 tháng 1, các sư đoàn Đức và Romania bắt đầu rút quân khỏi các sườn núi phía bắc. Các quân đoàn bộ binh 42 và 44 (Đức) đã củng cố tuyến phòng thủ ở phía nam Krasnodar và khu vực Khadyzhensky, Apseronsky và Neftegorsk để yểm hộ bên sườn cho cuộc rút quân. Từ ngày 11 tháng 1 đến ngày 12 tháng 2 năm 1943, Cụm tác chiến Biển Đen (Liên Xô) tấn công vào tuyến phòng thủ của Tập đoàn quân 17 (Đức) tại phía tây đồng bằng Kuban từ Maikop qua Armavir đến thành phố Krasnodar với ý định nhanh chóng đánh chiếm các vị trí xung yếu, các đầu mối giao thông quan trọng trên địa bàn tả ngạn sông Kuban; sau đó đánh chiếm bán đảo Taman, cắt đứt con đường rút lui của Tập đoàn quân 17 (Đức) sang Krym và phối hợp với các tập đoàn quân 28, 51 (Phương diện quân Nam) đánh chiếm Bataisk, cô lập Cụm tập đoàn quân A (Đức) ở Bắc Kavkaz.[97]

Cuộc tấn công ban đầu đã gặp phải sức chống trả kịch liệt của Tập đoàn quân 17 (Đức) trên hướng Krasnodar với những trận đánh chặn ác liệt tại khu vực Neftegorsk, Khadyzhensky và Apsheronsky phía đông Tuapse để tranh thủ thời gian rút quân về phòng tuyến phía đông bán đảo Taman. Ở hướng Elbrus, quân Đức chủ động bỏ các vị trí trên sườn núi Kavkaz, tập trung tại các thị trấn phía đông để rút quân lên phía bắc. Ngày 30 tháng 1, quân đội Liên Xô chiếm lại Maikop. Cánh phải của Tập đoàn quân 46 phát triển qua Belorechensky đến Ust Labinskaya ngày 2 tháng 2. Sau gần một tuần bị quân Đức kìm chân ở khu vực Noryachi Klyuch, các tập đoàn quân 18 và 56 (Liên Xô) cũng tiếp cận được cửa ngõ phía nam Krasnodar ngày 4 tháng 2. Ở phía tây, Tập đoàn quân 47 không đột phá được tuyến phòng thủ của Quân đoàn bộ binh xung kích 5 (Đức) ở phía bắc Novorossiysk. Trung đoàn xe tăng còn lại của Sư đoàn xe tăng 22 (Quân đoàn bộ binh 42 (Đức)) đã chặn được các mũi tấn công yếu hơn của Tập đoàn quân 47 trước cửa ngõ các thị trấn Abinskaya và Krymskaya. Cuộc đổ bộ lên cứ điểm Nam Ozereika của Hạm đội Biển Đen cũng không thực hiện được vì bão biển lớn. Dựa vào các tuyến phòng thủ trước đây của quân đội Liên Xô, Tập đoàn quân 17 (Đức) mặc dù bị chia cắt khỏi Tập đoàn quân xe tăng 1 nhưng đã thiết lập được tuyến phòng thủ vững chắc phía ở Đông bán đảo Taman, bao gồm cả thành phố Krasnodar.[98]

Ngày 9 tháng 2, Cụm tác chiến Biển Đen phối hợp với các tập đoàn quân 9 và 37 của Cụm tác chiến Bắc Kavkaz mở cuộc tổng công kích vào Taman nhưng chỉ đẩy lùi được Tập đoàn quân 17 Đức sâu thêm hơn 70 km về phía tây. Mặc dù đánh chiếm được thành phố Krasnodar ngày 12 tháng 2 và dồn quân Đức vào khu vực cửa sông Kuban lầy lội nhưng ba tập đoàn quân 9, 37 và 56 (Liên Xô) vẫn bị chặn lại trên "Phòng tuyến xanh" của quân Đức. Quân cảng Novorossiysk vẫn nằm trong tay quân Đức. Tập đoàn quân 17 (Đức) đã biến bán đảo Taman thành một căn cứ bàn đạp quân sự rất có lợi cho quân Đức mà sau này quân đội Liên Xô phải mất rất nhiều thời gian và công sức để trục nó đi.[99]

Đất nhỏ và Novorossiysk

Bài chi tiết: Chiến dịch Myskhako

Thực hiện Kế hoạch "Biển" ngày 4 tháng 2, Hạm đội Biển Đen phối hợp với Cụm tác chiến Biển Đen (Liên Xô) thực hiện cuộc đổ bộ lên bán đảo Myskhako trong một nỗ lực nhằm đánh chiến quân cảng và thành phố Novorossiysk, làm bàn đạp để đột phá vào cánh trái phòng tuyến xanh của quân đội Đức Quốc xã tại bán đảo Taman. Lực lượng đổ bộ đầu tiên gồm 550 bộ binh và 250 hải quân đánh bộ đã chiếm được một đầu cầu nhỏ tại khu vực Myskhako - Stanichka (được gọi là "Đất nhỏ"). Nhóm đổ bộ thứ hai lên Nam Ozereyka trong khi triển khai phối hợp với quân đổ bộ đường không đánh chiếm Grebovka (???) đã bị ba sư đoàn bộ binh Đức bao vây và đánh tan. Một bộ phận rút lên núi, số còn lại chạy về sáp nhập vào nhóm quân đổ bộ tại Myskhako - Stanichka.[100] Trong năm đêm tiếp theo, Hạm đội Biển Đen tiếp tục đổ quân. Lực lượng đổ bộ có mặt trên bán đảo đã tăng lên 17.000 người gồm hai lữ đoàn hải quân đánh bộ, một lữ đoàn bộ binh, một trung đoàn pháo chống tăng và hàng trăm tấn vũ khí, thiết bị (sau này họp thành quân đoàn bộ binh - hải quân hỗn hợp 12). Tuy nhiên, đến ngày 7 tháng 2, do bão lớn, các cuộc đổ bộ tiếp theo bị hủy bỏ.[101]

Do thiếu quyết tâm trong việc chở quân đổ bộ cũng như tùy tiện thay đổi địa điểm đổ bộ và thiếu sự phối hợp chính xác giữa hải quân là lục quân, làm mất yếu tố bất ngờ, chiến dịch không thực hiện được. Chỉ còn đội quân đồn trú Myskhako phải trụ lại chiến đấu với các lực lượng Đức lớn gấp đôi. Từ đầu tháng 3 đến cuối tháng 8 năm 1943, Quân đoàn bộ binh xung kích 5 thuộc Tập đoàn quân 17 (Đức) phòng thủ hướng Novorossiysk đã mở nhiều cuộc tấn công "tảo thanh" nhằm nhổ "cái dằm" Myskhako - Stanichka, thậm chí, trong cuộc tấn công nửa đầu tháng 4 năm 1943, năm sư đoàn bộ binh Đức đã dồn đội quân đồn trú Liên Xô trên ""Đất nhỏ" vào một khu vực chỉ rộng từ 8 đến 10 km vuông xung quanh các thị trấn Myskhako và Stanichka (???) nhưng không tiêu diệt được họ.[102] Chiến dịch đánh chiếm Novorossiysk theo kế hoạch Biển chỉ trong 10 ngày đã kéo dài đến 227 ngày (từ 4 tháng 2 đến 10 tháng 9 năm 1943). Vì để xảy ra thất lợi do trách nhiệm của hải quân, Phó đô đốc A. F. Oktyabrsky bị bãi chức tư lệnh hạm đội Biển Đen và được điều sang Viễn Đông làm tư lệnh phân hạm đội Amur. Tư lệnh mới của Hạm đội Biển Đen, Phó đô đốc L. A. Vladimirsky đã thường xuyên thực hiện các chuyến tiếp tế cho đội quân đồn trú để duy trì sức chiến đấu của họ. Trong 227 ngày đó, đội quân đồn trú đã đánh nhiều trận phòng ngự chống lại các cuộc tập kích của Quân đoàn bộ binh 5 thuộc Tập đoàn quân 17 (Đức), trấn giữ được căn cứ đầu cầu cho đến khi Cụm tác chiến Biển Đen và Hạm đội Biển Đen phối hợp tổ chức lại Chiến dịch đánh chiếm Novorossiysk.[103]

Từ ngày 10 đến ngày 16 tháng 9 năm 1943 Tập đoàn quân 18 và Hạm đội Biển Đen (Liên Xô) tổ chức Chiến dịch Novorossiysk nhằm thu hồi thành phố và quân cảng Novorossiysk đồng thời mở đầu cho Chiến dịch Taman lần thứ hai. Khác với chiến dịch Myskhako, cuộc tấn công giải phóng Novorossyisk trung tuần tháng tháng 9 năm 1943 diễn ra với sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa Phương diện quân Bắc Kavkaz với Hải quân hạm đội Biển Đen và không quân Liên Xô.[104] Mặt khác, chiến dịch giải phóng Novorossiysk tháng 9 năm 1943 còn nằm trong một kế hoạch hoạt động quân sự chung của toàn bộ Phương diện quân Bắc Kavkaz để giải phóng hoàn toàn bán đảo Taman. Điều này đã làm cho Tập đoàn quân 17 (Đức) không thể chủ động điều lực lượng đi ứng cứu cho các hướng bị uy hiếp khi họ bị tấn công đồng loạt trên toàn tuyến mặt trận và từ phía biển.[105]

Ngày 12 tháng 9, hai lữ đoàn hải quân đánh bộ và Tập đoàn quân 18 (Liên Xô) đã tấn công trực diện vào thành phố Novorossiysk từ phía đông và phía tây. Lữ đoàn hải quân đánh bộ 8 đổ bộ lên các con đê chắn sóng, đánh chiếm quân cảng và tấn công thành phố từ phía đông nam. Cùng thời gian này, Tập đoàn quân 17 (Đức) đang bị hai tập đoàn quân 9, 56 (Liên Xô) tấn công đồng loạt trên toàn bộ "Phòng tuyến xanh" đã không còn lực lượng dự bị rảnh rỗi để tăng viện cho Quân đoàn xung kích 5 giữ Novorossiysk. Sau bốn ngày chống cự với các cứ điểm, hỏa điểm kiên cố bị các đơn vị đặc nhiệm và công binh Liên Xô lần lượt phá hủy, Quân đoàn xung kích 5 (Đức) buộc phải bỏ Novorossiysk rút về phía bắc trong sự truy đuổi sát gót của Tập đoàn quân 18 (Liên Xô).[106] 10 giờ sáng ngày 16 tháng 9, quân đội Liên Xô hoàn toàn làm chủ thành phố, quân cảng Novorossiysk và các vùng phụ cận. Chiến dịch giải phóng Novorossiysk kết thúc nhanh chóng sau một tuần với việc 5 sư đoàn Đức và Romania bị thiệt hại nặng và phải rút khỏi khu vực Novorossyisk về trung tâm bán đảo Taman. Thành công của chiến dịch này đã tạo thêm một mũi tấn công vu hồi để Phương diện quân Bắc Kavkaz (Liên Xô) tiếp tục cuộc tấn công giải phóng bán đảo Taman bị quân đội Đức Quốc xã chiếm đóng từ tháng 8 năm 1942. Hạm đội Biển Đen có thêm một căn cứ hải quân quan trọng để tiếp cận và thực hiện các chiến dịch giành lại quyền khống chế hải phận của Liên Xô trên Biển Đen. Đây cũng là căn cứ hậu cần quan trọng cho chiến dịch giải phóng Krym của quân đội Liên Xô dự định thực hiện vào cuối năm 1943, đầu năm 1944.[107]

Các chiến dịch cuối cùng tại Taman

Sau những thất bại ở đồng bằng trung lưu sông Kuban và buộc phải bỏ thành phố Krasnodar cùng với hầu hết đồng bằng Kuban và rút về cố thủ tại bán đảo Taman, Tập đoàn quân 17 (Đức) đã dựng lên ở đây một tuyến phòng thủ vững chắc gồm hai lớp. Lớp ngoài gồm hai tuyến phòng thủ không liên tục. Lớp phòng thủ bên trong liên tục từ phía đông căn cứ không quân Temryuk qua Kievskoye, Moldavanskoye đến Krymsk. Trên chiều dài 128 km từ khu vực đầm lầy Kurchanskaya đến Novorossiysk, công binh Đức đã bố trí 577 hỏa điểm với mật độ 3 điểm/km trên 71 km cánh trái phòng tuyến, 8 điểm/km trên 32 km ở khu trung tâm và 6 điểm/km ở cánh phải. 37,5 km trên phòng tuyến được bố trí các bãi mìn. 87 km được ngăn bằng rào thép gai nhiều lớp. 11,75 km phòng tuyến được bố trí các vật cản bằng sắt, bê tông và gỗ.[108] Toàn bộ các bãi mìn có 142.370 quả mìn chống tăng, 155.848 mìn chống bộ binh, 3.032 bom điều khiển nổ bằng điện, 144 quả bom vướng nổ. Trên ba lớp rào thép gai có 142 cụm rào cũi lợn, 120 cụm rào thép gai kết hợp hào chống tăng. Tổng chiều dài của loại rào thép gai vòng xoắn lên đến 266,4 km.[109]

Ngày 29 tháng 4 năm 1943, chiến dịch mở màn. Trong 5 ngày đầu, các Tập đoàn quân 18 và 56 (Liên Xô) chỉ thu được một số kết quả hạn chế, đánh chiếm được một số điểm dân cư như Krymsk, Abinsk, Slavianskaya, Petrovskaya.[110] Trong những ngày sau đó, cả bốn tập đoàn quân Liên Xô đều bị Tập đoàn quân 17 (Đức) chặn lại trên "Phòng tuyến xanh" từ sông Kurka, dọc theo một đoạn sông Kuban qua Kievskoye, Moldavanskaya đến Neberzhayevskaya ở phía bắc Novorossiysk. Các nỗ lực tiếp theo của quân đội Liên Xô nhằm tiếp tục đột phá vào "Phòng tuyến xanh" đều thất bại. Quân đoàn 44 (Đức) đã giữ vững các cụm cứ điểm Kievskoye, Moldavanskoye. Ngày 15 tháng 5, Quân đội Liên Xô buộc phải ngừng tấn công.[111]

Đài kỷ niệm chiến thắng Taman, tháng 9 năm 1943

Ngày 12 tháng 7 năm 1943, quân đội Đức Quốc xã thua trận tại Kursk và bắt đầu rút lui trước các đòn phản công của 5 Phương diện quân Liên Xô tại cánh Nam của mặt trận Xô-Đức. Tình thế chiến lược có quá nhiều thuận lợi cho Phương diện quân Bắc Kavkaz (Liên Xô) giải quyết dứt điểm căn cứ cuối cùng của Cụm tập đoàn quân Nam (Đức) tại Taman.[112] Cuộc tấn công giải phóng Taman lần thứ hai được tổ chức kỹ lưỡng và phối hợp chặt chẽ hơn giũa lục quân, không quân và Hạm đội Biển Đen.[104] Toàn bộ Tập đoàn quân không quân 4 (Liên Xô) được huy động yểm hộ các cuộc tấn công trên bộ và phối hợp với không quân của hạm đội Biển Đen chống lại các cuộc phản kích của không quân và hải quân Đức Quốc xã.[113]

Ngày 12 tháng 10, Quân đoàn bộ binh cận vệ 5 (Liên Xô) vượt sông Adagum đột kích vào cứ điểm Keslerovo do Sư đoàn bộ binh 79 (Đức) đóng giữ. Sư đoàn bộ binh 98 (Đức) và Sư đoàn bộ binh 10 (Romania) phản kích để lấp lại cửa mở tại Keslerovo nhưng sau 5 ngày chiến đấu vẫn không đẩy lui được Quân đoàn bộ binh cận vệ 5. Ngày 17 tháng 9, chủ lực Tập đoàn quân 56 (Liên Xô) có Lữ đoàn xe tăng 63 mở đường đã đột phá một đoạn dài 6 km tại khu vực Moldavanskaya.[104] Yểm hộ cho cuộc tấn công, 108 máy bay của Tập đoàn quân không quân 4 và 28 máy bay của Hạm đội Biển Đen đã đánh bom trúng nhiều hỏa điểm pháo binh và súng máy của Sư đoàn bộ binh 98 và cả sở chỉ huy dã chiến Quân đoàn 44 (Đức) tại Gladkovskaya.[113] Các máy bay trinh sát của hạm đội Biển Đen cũng chỉ điểm và hiệu chỉnh chính xác cho pháo binh bắn phá các hỏa điểm của quân Đức trong khoảng 10 km gần tiền duyên.[114]

Từ phía nam, Lữ đoàn xe tăng 63 cùng Quân đoàn bộ binh cận vệ 2 tấn công vòng ra phía sau Cụm cứ điểm Kievskoye và gặp sư đoàn bộ binh 389 (Tập đoàn quân 9) tại nhà ga Varenikovskaya ngày 20 tháng 9. Chỉ có không quá ba trung đoàn Đức và Romania thoát khỏi cuộc bao vây này và rút chạy về Gostagaevkaya. Ngày 22 tháng 9, các đơn vị Đức và Romania còn lại tại cụm cứ điểm Keslerovo - Kievskoye đầu hàng quân đội Liên Xô.[106] Tại phía bắc Novorossiysk, các sư đoàn bộ binh 317, 395 và lữ đoàn bộ binh 20 được phối thuộc Lữ đoàn xe tăng cận vệ 5 đã nhanh chóng tràn ngập cụm cứ điểm Moldavanskoye và hướng đòn tấn công về thị trấn Verkhnebakansky. Từ phía Novorrosiysk, Tập đoàn quân 18 (Liên Xô) phát triển tấn công đến Verkhnebakansky. Ngày 18 tháng 9, tướng Karl Allmendinger tập trung Sư đoàn sơn chiến 4 (Đức), Sư đoàn sơn chiến 4 (Romania) ở phía tây, Sư đoàn bộ binh 73 và Sư đoàn sơn chiến 1 (Romania) từ phía đông phản đột kích vào hai bên sườn Tập đoàn quân 18. Chỉ sau một ngày, cuộc phản đột kích đã bị Quân đoàn bộ binh cận vệ 8, các lữ đoàn bộ binh 81 và 107 đánh lui.[104] Bị truy kích, tàn quân của các sư đoàn bộ binh 9 và 73 (Đức), Sư đoàn sơn chiến 4 (Đức), các sư đoàn sơn chiến 1 và 4 (Romania) phải tháo chạy về trung tâm phòng ngự Verkhnebakansky. Ngày 21 tháng 9, quân Đức bỏ Verkhnebakansky rút lên Gostagayevskaya tìm đường chạy sang Krym.[113]

Ngày 21 tháng 9, các lữ đoàn hải quân đánh bộ 83 và 255 đổ quân lên Anapa và tiến nhanh lên phía bắc để cắt con đường thoát sang Krym của quân Đức. Chiến sự diễn ra lịch liệt nhất tại hành lang Volchy Vorota (???) (tiếng Nga:Волчьи Ворота, có nghĩa là Cổng Sói). Đến 17 giờ, quân Đức và Romania tháo chạy ra doi đất Blagoveshenskaya.[104] Ngày 18 tháng 8, các tàu biển của Đức ém sẵn tại ngoài khơi vịnh Kizyntatsky để di tản Quân đoàn bộ binh xung kích 5 (Đức) đã bị Sư đoàn không quân 11 Novorrossiysk của Hạm đội Biển Đen phát hiện và đánh đắm 1 pháo hạm, 2 tàu vận tải của hải quân Đức ngay trước cửa vịnh Kizyntatsky, buộc những chiếc còn lại phải tháo lui. Đến ngày 26 tháng 9 năm 1943, hầu hết các cụm cứ điểm quan trọng trên "Phòng tuyến xanh" của Tập đoàn quân 17 (Đức) tại Taman lần lượt thất thủ.[114] Sau khi bị mất toàn bộ "Phòng tuyến xanh" trong 25 ngày đầu chiến dịch, Tập đoàn quân 17 (Đức) buộc phải dựa vào các chướng ngại thiên nhiên để ngăn chặn quân đội Liên Xô. Nhằm khắc phục điều bất hợp lý khi một quân đoàn sơn chiến phải chiến đấu ở đồng lầy, tướng Rudolf Konrad đã "nhường lại" toàn bộ khu vực ngập mặn quanh vịnh Kurchnsky cho Tập đoàn quân 9 (Liên Xô) xử lý và rút các sư đoàn 50 và 370 về giữ căn cứ không quân Temryuk, đồng thời là cửa ngõ chặn con đường qua Starotytarovskaya đến các mũi đất Tuzla và Chushka có các bến vượt sang bán đảo Kerch.[113]

Ở phía bắc Temryuk, đêm 24 tháng 9, Phân hạm đội Azov (Liên Xô) đổ Lữ đoàn hải quân đánh bộ 8 lên đánh chiếm đầu cầu Chaikyno (???) và Lữ đoàn 47 chiếm đầu cầu Golubiskaya. Sáng sớm 25 tháng 9, các lữ đoàn tàu vận tải tiếp tục đưa lên Chaikyno 1.200 quân của trung đoàn bộ binh 547, 369 quân của tiểu đoàn Hải quân đánh bộ độc lập 220; đổ bộ lên Golubiskaya 850 quân của Trung đoàn bộ binh độc lập 9. Ngày 26 tháng 9, các đơn vị này tiếp tục mở sộng các đầu cầu và bắt đầu đột kích phía sau hai sư đoàn Đức đang phòng thủ Temryuk.[115] Ngày 25 tháng 9, Sư đoàn bộ binh 50 (Đức) mở cuộc phản kích quyết liệt vào căn cứ đầu cầu Chaikyno, đánh thiệt hại nặng Lữ đoàn hải quân đánh bộ 8 và trung đoàn bộ binh 547 (Liên Xô). Ngày 26 tháng 9, Quân đoàn bộ binh cận vệ 11 được điều từ lực lượng dự bị của Phương diện quân Bắc Kavkaz với sự yểm hộ tối đa của pháo binh đã phá vỡ tuyến phòng ngự ở ngoại ô phía đông nam Temryuk. Chiều 27 tháng 9, toàn bộ thành phố và sân bay Temryuk đã nằm trong tay quân đội Liên Xô cùng nhiều pháo, súng cối và vũ khí cá nhân bị quân Đức bỏ lại.[114]

Ngày 1 tháng 10, Tập đoàn quân 56 phá vỡ tuyến phòng thủ của quân Đức tại Krasnaya Strela (???) đánh chiếm Vyshestebliyevskaya. Mũi đột kích của Tập đoàn quân 18 qua doi đất Bugasky (???) đã đánh chiếm Veselovka ngày 2 tháng 10. Ngày 3 tháng 9, tướng Maximilian de Angelis tập trung sư đoàn bộ binh 97 và sư đoàn kỵ binh 9 (Romania) phản kích vào sườn trái Quân đoàn bộ binh cận vệ 8 đang tấn công từ Veselovka vào Taman nhưng đã bị Quân đoàn này và Sư đoàn bộ binh 176 từ Gryazelechevnitsa (???) kéo lên dập tắt nhanh chóng. Chiều 3 tháng 10, Quân đoàn bộ binh cận vệ 8 và Lữ đoàn xe tăng cận vệ 5 (Liên Xô) tiến vào Taman.[104] Ngày 7 tháng 10, các sư đoàn bộ binh cận vệ 20, 83 và 242 phá vỡ tuyến phòng thủ phía ngoài ở Senaya Semenyuk (???), phối hợp với Sư đoàn 227 (Tập đoàn quân 9) đánh từ hai mặt vào hai cứ điểm Akhtanyzovskaya và Peresyp. Ngày 8 tháng 10, bốn sư đoàn Liên Xô bắt đầu dồn ép tàn quân của ba sư đoàn Đức và Romania. Chỉ một phần quân Đức tháo chạy qua làng Ilych ra được doi đất Chushka, cướp thuyền của ngư dân để sang quân Đức cuối cùng ở Zaporozhskaya hạ vũ khí đầu hàng. Quân đội Liên Xô thu hồi toàn bộ bán đảo Taman.[116]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chiến_dịch_Blau http://users.pandora.be/stalingrad/germanpart/dir4... http://cgsc.cdmhost.com/cgi-bin/showfile.exe?CISOR... http://www.imdb.com/title/tt0107547/ http://rus-sky.com/history/library/w/w06.htm#_Toc5... http://www.lexikon-der-wehrmacht.de/Gliederungen/H... http://www.lexikon-der-wehrmacht.de/Gliederungen/H... http://www.lexikon-der-wehrmacht.de/Gliederungen/L... http://www.lexikon-der-wehrmacht.de/Gliederungen/L... http://web.archive.org/web/20090506092909/http://m... http://www.worldcat.org/title/when-titans-clashed-...